Gian nan bảo hộ thương hiệu cà phê Việt

Việt Nam là quốc gia xếp thứ hạng cao trên thế giới về sản xuất cà phê, nhất là cà phê robusta (còn gọi là cà phê vối). Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu như hiện nay thì câu chuyện về bảo vệ thương hiệu cho cà phê trong nước càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, từ năm 1975 đến nay, ngành hàng cà phê ở Việt Nam đã phát triển vượt bậc cả về năng suất, diện tích và sản lượng. Đến năm 2016 diện tích cà phê cả nước là trên 643.000ha, năng suất khoảng 24 tạ/ha, thuộc mức cao của thế giới và hiện tại Việt Nam đang đứng thứ hai trong bảng xếp hạng các nước xuất khẩu (XK) cà phê lớn nhất thế giới.

gian-nan-bao-ho-thuong-hieu-ca-phe-viet

Nông dân thu hoạch cà phê.

Chưa dừng lại ở đó, theo trang Agrimoney.com, Việt Nam sắp vượt qua Brazil và trở thành quốc gia xuất khẩu (XK) cà phê lớn nhất thế giới khi mà Brazil đang dần để tuột mất vị trí đứng nhất trong bảng xếp hạng do kim ngạch XK cà phê robusta giảm mạnh trong nhiều năm. Đây là một tín hiệu vui đối với cà phê Việt.

Tuy nhiên trong thời gian qua, chúng ta cũng đã gặp rất nhiều khó khăn, bất cập trong công tác bảo hộ thương hiệu cà phê. Điển hình nhất là bài học từ thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, mặc dù đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lí Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân, nhưng trong một thời gian khá dài, DN đã không phát triển “Buôn Ma Thuột” cho sản phẩm cà phê ra thị trường các nước có khả năng tiêu thụ cà phê của DN.

Chính vì vậy, một DN ở Trung Quốc đã đăng kí bảo hộ nhãn hiệu “Buôn Ma Thuột” bằng chữ Trung Quốc. Sau đó, Việt Nam rất vất vả mới lấy lại thương hiệu “Buôn Ma Thuột”.

Nhằm giảm thiểu việc bị đánh mất hoặc lấy cắp thương hiệu, thời gian qua, công tác bảo hộ thương hiệu cà phê đã được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm.

Cụ thể, UBND tỉnh Đắk Lắk đã nộp đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu này tại 17 quốc gia, vùng lãnh thổ và đã được 12 quốc gia đồng ý, trong đó, “Buôn Ma Thuột Coffee” được bảo hộ với hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận tại Canada, Đức, Ba Lan, Bỉ, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Luxembourg và Singapore; tại Thái Lan là chỉ dẫn địa lý và tại Nga là tên gọi xuất xứ hàng hóa.

Một số địa bàn thị trường lớn và tiềm năng như: Mỹ, Nhật, Vương quốc Anh, Hàn Quốc và Thụy Sỹ đã từ chối bảo hộ và địa phương phải tạm dừng theo đuổi đơn đăng ký do chi phí thực hiện quá lớn và khả năng thành công chưa rõ ràng.

Tuy nhiên hiện nay, công tác bảo hộ Cà phê Buôn Ma Thuột trên phạm vi toàn cầu hiện đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân được các chuyên gia trong ngành xác định là do vùng địa danh rộng, việc sản xuất kinh doanh liên quan theo nhiều loại hình và yêu cầu chất lượng trên thị trường xuất khẩu rất đa dạng.

Bên cạnh đó, việc hình thành và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm và bảo đảm chứng nhận chất lượng tại một số DN còn hạn chế do thiếu nhân lực, cơ sở vật chất và kinh phí.

Tiến sĩ Nguyễn An Tiêm, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết, để có thể làm tốt công tác bảo hộ thương hiệu các DN trong ngành cần liên kết để tạo tiếng nói chung nhằm mục đích đưa logo thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột vào hợp đồng mua bán cũng như in hình ảnh trên bao bì sản phẩm, cùng với nâng cao chất lượng từ vườn cây đến sản phẩm hoàn thiện.

Để bảo vệ mình, DN cần xác định các thị trường xuất khẩu và thị trường có tiềm năng xuất khẩu hàng hóa của mình mà tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

Bên cạnh đó, DN cần tranh thủ sự hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền như Cục Sở hữu trí tuệ nhằm đưa ra cách thức giải quyết vụ việc tốt nhất, lựa chọn đối tác có uy tín của nước ngoài để đại diện DN Việt Nam tại nước ngoài; thu thập và rà soát những tài liệu cần thiết để có cơ sở đưa ra những yêu cầu cho phù hợp hoạt động bảo hộ thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng và thương hiệu cà phê Việt nói chung trên bản đồ thế giới.

Ngoài ra, để cà phê của Việt Nam có thương hiệu, bắt buộc người sản xuất cà phê phải đáp ứng được những điều kiện khắt khe về kỹ thuật, môi trường, xã hội…

Nguồn: cand.com.vn

Trả lời