Lo số phận 30.000 người trồng cà phê, viết tâm thư gửi Thủ tướng

Mặc dù đang sở hữu diện tích 17.000ha cà phê với 30.000 công, nhân viên lao động, nhưng thực trạng ở Tổng Công ty (TCT) Cà phê Việt Nam đang rất bết bát, khó khăn do quá trình triển khai cổ phần hóa tại TCT này diễn ra quá chậm trễ.

Lo ngại cho số phận của TCT này, ông Lê Đình Hoàng – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty Cà phê 706 trực thuộc TCT cà phê Việt Nam (thôn Tân Hợp, xã Ia Yok, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai ) đã gửi tâm thư tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Được sự đồng ý của ông Hoàng, Báo NTNN đăng lại bức thư này.

Khoán kiểu “phát canh, thu tô”

lo-so-phan-30000-nguoi-trong-ca-phe-viet-tam-thu-gui-thu-tuong-1

Đời sống của công nhân lao động trong TCT cà phê Việt Nam hiện đang rất khó khăn. Ảnh: TNMT

Trước hết, phải khẳng định vai trò to lớn của TCT Cà phê Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển ngành cà phê Việt Nam, đưa cà phê Việt Nam từ chỗ không tên tuổi trở thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia và có tên trên bản đồ thế giới; đưa lại nguồn ngoại tệ hàng tỷ đô la mỗi năm, làm thay đổi diện mạo nông nghiệp nông thôn Tây Nguyên. Nếu không có những trung đoàn quân đội (tiền thân của TCT cà phê Việt Nam) những năm 80 thế kỷ trước thì không có ngành cà phê Việt Nam với hơn 600.000ha hôm nay.

Nhưng thành tựu đó đã là quá khứ. Ngày nay, TCT cà phê Việt Nam chưa làm tròn sứ mệnh mà ngành cà phê mong đợi. Cơ chế, chính sách, hệ thống quản trị điều hành của TCT không theo kịp xu thế; bộ máy cồng kềnh nhiều tầng nấc, chi phí lớn nhưng hiệu quả thấp đang là gánh nặng – thậm chí là trở ngại cho tiến trình đổi mới doanh nghiệp (DN) và cổ phần hóa với những biểu hiện cụ thể sau đây:

lo-so-phan-30000-nguoi-trong-ca-phe-viet-tam-thu-gui-thu-tuong-1

Tính hiệu quả: Diện tích cà phê của TCT đang nắm giữ chỉ có 17.000ha trên tổng số 600.000ha diện tích của cả nước, chiếm 2,83%. Con số nhỏ bé như vậy không thể là đòn bẩy, đầu tàu trong việc xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế. Điều đáng nói là năng suất, chất lượng cà phê của TCT ngày càng kém đi, chỉ dao động từ 2 – 2,5 tấn nhân/ha – bằng 60% năng suất cà phê của nông dân. Hiệu quả sử dụng đất trên một đơn vị canh tác cũng chỉ bằng 50 – 60% của nông dân đang sản xuất. Trong khi đó, mỗi ha đất nông nghiệp nông dân thu về hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng không còn là cá biệt thì mỗi ha đất trong TCT cà phê Việt Nam bình quân chỉ lãi trên dưới 40 triệu đồng. Đặc biệt, đời sống của công nhân trong các công ty cà phê đang vô cùng khó khăn; tái canh không vay được vốn ngân hàng, phải vay nặng lãi để cùng đầu tư với DN.

Cơ chế chính sách: TCT Cà phê Việt Nam hiện có 30.000 lao động trong đó 12.000 là công nhân tham gia bảo hiểm xã hội. Còn lại là hợp đồng lao động ngắn hạn của các hộ gia đình không còn tuổi lao động, nhận khoán theo Nghị định 135/2005 của Chính phủ. Phương án khoán hiện nay có thể gọi là khoán trắng. Người lao động bỏ toàn bộ vốn đầu tư vào vườn cây và tự đóng các loại bảo hiểm, kinh phí công đoàn (điều này vi phạm nghiêm trọng pháp luật lao động). Có thể nói đây là phương án phát canh thu tô, báo chí đã nhiều lần phản ánh hoặc điểm mặt, chỉ tên.

Các DN hầu như không đầu tư gì, cuối năm chỉ thu khoán về ngoài các khoản phải nộp ngân sách, còn lại hầu như chi trả lương và hoạt động cho bộ máy gián tiếp khổng lồ trên 200 tỷ đồng mỗi năm (mỗi ha cà phê người nhận khoán phải đóng 13 triệu đồng chi phí quản lý mỗi năm vô cùng phi lý).

Một DN nhà nước mà chỉ phát canh, thu tô, không đầu tư, không chi phí, bảo hiểm xã hội thì tự thỏa thuận trái pháp luật, dồn hết cho người lao động tự lo thì có nên tồn tại nữa không? DN nhà nước mà giá thành sản xuất cao gấp 1,5 lần của nông dân; năng suất bằng 70% của nông dân, hiệu quả sử dụng đất trên một đơn vị canh tác bằng 50% của nông dân, thu nhập của đại bộ phận công nhân thấp hơn mức tối thiểu thì có nên tồn tại nữa không?

Nếu Thủ tướng nhìn vào báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của TCT Cà phê Việt Nam, kết quả sẽ đi ngược với những gì tôi viết. Vì thực tế, không đầu tư thì làm sao thua lỗ, sao lại không có lãi – thậm chí lãi lớn khi giá cà phê lên cao nhất trong vòng 6 năm qua trong năm 2016. Nếu những năm qua TCT không bán hết cổ phần tại Vinacafe Biên Hòa thu về hàng trăm tỷ đồng để bù lỗ, cân đối tài chính thì tôi chắc rằng TCT đã phá sản.

Ông Lê Đình Hoàng: “Đề xuất nhiều lần nhưng không chuyển biến”

Trao đổi với NTNN về việc viết tâm thư gửi Thủ tướng, trong khi những vấn đề đó có thể kiến nghị trực tiếp lên TCT cà phê Việt Nam, ông Lê Đình Hoàng cho biết: “Thực trạng ngành cà phê hiện nay có rất nhiều vấn đề, mà trong một bức tâm thư không thể nói hết. Tôi đã nhiều lần viết tham luận, có đề xuất các phương án để cổ phần hóa ở TCT này, song rất tiếc, quá trình triển khai cổ phần hóa tại đây suốt từ năm 2015 đến nay hầu như không có chuyển biến gì. Hầu hết các ý kiến tôi nêu không được TCT tiếp thu và triển khai thực hiện. Chính vì lẽ đó, tôi buộc lòng phải viết thư gửi Thủ tướng. Nếu không, số phận của 30.000 lao động sẽ rất khốn khổ, cùng cực, làm không đủ ăn và ngay cả 17.000ha đất trồng cà phê cũng sẽ bị thất thoát do quản lý không tốt”.

Cổ phần hóa sẽ mang lại cho nhà nước 5.000 tỷ đồng

Trước thực trạng yếu kém của DN nhà nước nói chung và TCT Cà phê Việt Nam nói riêng, Chính phủ đã có chủ trương tái cơ cấu DN nhà nước, cổ phần hóa nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống người lao động, đây là chủ trương đúng đắn kịp thời. Tuy nhiên, với đặc thù, ngành cà phê sẽ gặp khó khăn vì mấy lẽ sau đây:

– Đa số người lao động trong TCT hiện nay rất khó khăn, không có khả năng tài chính để mua cổ phần. Khi không có cổ phần, họ sẽ mãi mãi là người làm thuê cho DN.

– Nếu nhà nước còn nắm cổ phần chi phối, tôi e ngại sẽ khó có nhà đầu tư chiến lược nào tham gia vì bộ máy điều hành DN hiện nay chỉ là “bình mới, rượu cũ”.

– Nguyện vọng tha thiết của người lao động là nhà nước thoái vốn bằng cách bán lại vườn cây cho người lao động với giá thị trường đối với những hộ khó khăn sẽ cho trả góp trong 3 đến 5 năm. Tài sản khác còn lại của DN như kho bãi, sân phơi, máy móc thiết bị sẽ cổ phần hóa cho lực lượng gián tiếp để tạo công ăn việc làm và chuyển hướng theo dịch vụ cung ứng và bao tiêu sản phẩm cho công nhân. Chế độ bảo hiểm xã hội sẽ chuyển từ bắt buộc sang tự nguyện. Đây là sự chuyển đổi tất yếu phù hợp với thực tiễn hiện nay và tâm tư nguyện vọng của người lao động.

Nếu Thủ tướng đồng ý với phương án nêu trên, Nhà nước sẽ thu về ít nhất trên 5.000 tỷ đồng (17.000ha x 300 triệu đồng/ha mức tối thiểu) đủ để TCT Cà phê Việt Nam tập trung nguồn lực đầu tư các nhà máy chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị sản cà phê. Người lao động sẽ được tự do đầu tư, lựa chọn xen canh những cây trồng thích hợp trên diện tích thuộc sở hữu của mình như hàng triệu nông dân đang làm cà phê trên cả nước. Được như thế, tôi tin chắc sau 3 – 5 năm, đời sống của những người lao động trong DN cà phê hiện nay sẽ thoát nghèo, vươn lên giàu có…

Theo tôi, đây là phương án tối ưu nhất, hợp lòng dân nhất và có lẽ là khả thi nhất trong lộ trình sắp xếp đổi mới DN. Tuy nhiên, trên thực tế, tranh chấp lao động trong các DN cà phê ở Tây Nguyên đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, một số nơi diễn ra gay gắt làm bất ổn định trên một số địa bàn…

Nguồn: danviet.vn

Trả lời